Doanh nghiệp ở TP.HCM chuẩn bị gì cho giai đoạn khôi phục sản xuất?

TPHCM và các tỉnh phía nam đang chạy đua với thời gian trong xây dựng kế hoạch, lộ trình phòng, chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị các kịch bản sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “sống chung với COVID”.

Các DN ở TPHCM củng cố y tế tại chỗ nhằm chủ động sàng lọc nguồn lao động sạch trong quá trình sản xuất “3 tại chỗ” và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Ảnh: VGP/Băng Tâm

Tăng cường y tế tại chỗ

Trả lời câu hỏi về kế hoạch sản xuất của DN sẽ như thế nào sau khi TPHCM và các địa phương đều đã có lộ trình khôi phục các hoạt động trong thời gian tới, ông Trịnh Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng cho biết, việc sản xuất “3 tại chỗ” của đơn vị đã đi vào ổn định và có thể tiếp tục duy trì phương án này trong thời gian tới. DN vẫn duy trì một khu vực cách ly riêng biệt và thiết bị y tế cần thiết để xử lý tình huống có F0 cần cách ly, điều trị tại chỗ.

Trong khi đó, ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ HPT cho biết, để chuẩn bị cho giai đoạn khôi phục, DN cần được trao quyền chủ động nhiều hơn trong công tác phòng, chống dịch tại DN. HPT đang chuyển trạng thái “sống chung với COVID” bằng cách tăng cường nguồn lực y tế. Ví dụ như nhân viên văn phòng sẽ được trang bị thêm một số nghiệp vụ y tế. Việc này nhằm xây dựng một mô hình trạm y tế cấp xã, phường để có thể xử lý các tình huống phát sinh. Đây là cách DN hình thành tầng 1 trong tháp điều trị COVID-19 ngay tại DN.

Cùng quan điểm củng cố y tế tại chỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) thông tin, nhiều thành viên của Hawa xác định đến 15/10 vẫn duy trì “3 tại chỗ”, cùng với tăng cường y tế tại chỗ. Củng cố y tế tại chỗ sẽ giúp các DN chủ động sàng lọc nguồn lao động sạch trong quá trình sản xuất “3 tại chỗ” và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Do vậy HAWA đã tổ chức các hội thảo trực tuyến để phổ biến y tế tại chỗ cho các hội viên với sự hướng dẫn của các chuyên gia dịch tễ và các bác sĩ điều trị.

Một số DN hội viên HAWA đã mua máy thở oxy dự phòng, thiết lập khu chăm sóc y tế riêng kết nối với y tế địa phương để tổ chức cách ly, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trong khi chờ địa phương xử lý.

Kết nối với người mua quốc tế

Theo khảo sát của HAWA, hiện có khoảng 40% hội viên đang duy trì “3 tại chỗ”. Có 2 vấn đề các DN đang tập trung chuẩn bị cho giai đoạn khôi phục là nhân lực và vật tư.

Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết, đơn hàng của các DN đồ gỗ vẫn còn, nhưng trong hoàn cảnh như hiện nay cần truyền thông cho đối tác biết rõ kế hoạch phục hồi để họ không dịch chuyển sang thị trường khác.

Do vậy, các DN ngành đồ gỗ đang rốt ráo chuẩn bị một hội thảo trực tuyến (webinar) ngay trong tháng 9 nhằm kết nối với những người mua lớn (buyer) trên thế giới.

“Nhưng việc này đang trông vào kế hoạch mở cửa chính thức của các địa phương”, ông Chánh Phương cho hay. HAWA đã có khung kế hoạch phục hồi, trong đó nêu rõ các yếu tố trong từng giai đoạn. Trong đề xuất với Bộ NN&PTNN, HAWA nêu rõ, để đạt được các khung mục tiêu phải có các yếu tố dữ liệu, như độ phủ vaccine, từ dữ liệu như vậy mới tính toán sơ bộ kết quả đầu ra.

Ví dụ tháng 8 vừa qua, toàn ngành đồ gỗ có doanh thu khoảng 800 triệu USD. Có dữ liệu chính xác thì các DN sẽ xây dựng lộ trình phục hồi trong 3 tháng còn lại của năm 2021, dự đoán được tốc độ tăng trưởng, đi kèm những điều kiện gì. “Người mua quốc tế nhìn vào khung kế hoạch của chúng tôi, có cơ sở để yên tâm và không dịch chuyển đơn hàng. Nhưng họ phải biết thời gian nào Việt Nam có thể phục hồi”, ông Nguyễn Chánh Phương nói.

Có những thông tin quan trọng, theo ông Phương, cần truyền thông cho người mua quốc tế. Đó là kế hoạch mở cửa chính thức của các tỉnh đang giãn cách. Dựa trên khung đó xây dựng kế hoạch của cả ngành đồ gỗ như thế nào.

HAWA chia thành 3 giai đoạn cho lộ trình mở cửa, đó là duy trì, phục hồi và tăng tốc. Theo đánh giá, mỗi giai đoạn cần 3-6 tháng và hướng đến mục tiêu cụ thể, phục hồi bao nhiêu phần trăm công suất so với trước đây. “Năng lực của mình có thể đáp ứng được bao nhiêu, từ đó người mua quốc tế lên được kế hoạch chung”. Ông Phương cho biết thêm, các nhà sản xuất lớn của Việt Nam và FDI sẽ kết nối tại webinar cùng với sự tham gia của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và một số cơ quan tham tán ở các thị trường chính để cùng truyền thông cho ngành gỗ Việt Nam.

Trước khi kết nối với người mua quốc tế, các DN hội viên HAWA sẽ tham gia webinar về chuẩn bị nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho ngành đồ gỗ phục hồi.

Sau những tháng thu hẹp công suất hoạt động, các DN cần được cập nhật số liệu nhập khẩu gỗ từ các thị trường cung của Việt Nam, từ Mỹ, từ châu Âu và Trung Quốc. Trong đó có những đánh giá xu hướng ở thị trường cung, xu hướng và diễn biến giá trong thời gian tới. Ngoài ra, để khôi phục ngành gỗ, HAWA cũng kết nối với Hiệp hội Logistics Việt Nam chia sẻ xu hướng giá cả logistics, các tuyến vận tải quốc tế chính trong giai đoạn hiện nay và những tác động có thể đến ngành gỗ…

Ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng, đối với ngành sản xuất xuất khẩu, từng DN đã có kế hoạch cụ thể theo kịch bản ước đoán mở cửa của địa phương, cùng với năng lực sản xuất hiện tại để đưa ra những cam kết, giữ chân khách hàng.

Băng Tâm

Nguồn: baochinhphu.vn