Xuất khẩu gỗ & lâm sản 8 tháng đầu 2021: Cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất

Ngày 07/09 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với sự tham gia của các doanh nghiệp và các hiệp hội trong ngành gỗ, lâm sản. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị giao ban tại điểm cầu Hà Nội

Báo cáo về tình hình xuất khẩu gỗ & lâm sản 8 tháng đầu 2021 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tại Hội nghị cho thấy, 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 10,4 tỷ USD, tăng 41,9%, lâm sản ngoài gỗ đạt 0,79 tỷ USD, tăng 54,2%. Ở chiều ngược lại, ước nhập khẩu gỗ và lâm sản đạt 2,1 tỷ USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, 8 tháng đầu năm 2021, gỗ và lâm sản xuất siêu 9,1 tỷ USD.

Xem chi tiết Báo cáo Tình hình chế biến, xuất nhập khẩu gỗ & lâm sản 8 tháng đầu 2021 tại đây

Tại hội nghị, Ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch Hội mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đã phân tích và trình bày những yếu tố để ứng phó đại dịch Covid-19 và chuẩn bị phục hồi ngành, dưới góc nhìn của doanh nghiệp & hiệp hội.

Xem nội dung trình bày tại đây

Chủ tịch HAWA cũng cho biết: Cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện, tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm để xây dựng định hướng và kế hoạch phát triển. Cần có chính sách giảm chi phí, bảo hiểm xã hội, thuế và lãi suất ngân hàng. Cần đặc biệt quan tâm đến nguồn tài chính hỗ trợ mới với những doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của đại dịch để có thể phát triển và nắm bắt cơ hội, tiếp tục hướng đến mục tiêu là nguồn cung ứng mặt hàng gỗ nội thất lớn của thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Bộ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp phát huy sự chủ động xây dựng kịch bản phát triển thích ứng với diễn biến dịch. Theo đó, kịch bản hướng đến việc không chỉ giữ các thị trường xuất khẩu truyền thống mà còn đảm bảo các đơn hàng của đối tác từ nay đến cuối năm cũng như sang năm sau; vừa đảm bảo sản xuất, đảm bảo an toàn, vừa tận dụng những lợi thế, cơ hội mở rộng thị trường toàn cầu và có nhu cầu cao về đồ gỗ như hiện nay.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng: “Nhân đây, chúng ta có cơ hội để nhìn lại quá trình hoạt động, từ đó đúc kết các kinh nghiệm để sau này hoạt động của từng doanh nghiệp sẽ tốt lên với những bài học từ quản trị, quản lý ở thời điểm đặc biệt này. Về lâu dài, doanh nghiệp không chỉ là phục hồi mà còn phải thích ứng với dịch để phát triển”.

HAWA

(Tổng hợp)