Theo ông Tân, DN muốn tổ chức sản xuất trong dịch bệnh phải đảm bảo những kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt, từ khu sản xuất, khu ăn ở, nghỉ ngơi, vệ sinh cho công nhân. “Chỉ riêng khu vực vệ sinh, chúng tôi xây dựng 55 nhà tắm cho khoảng 300 công nhân, bình quân 6 người sử dụng một nhà tắm, không ai được sử dụng lẫn sang khu vực khác. Chúng tôi cũng thiết lập 3 lớp hàng rào bảo vệ nhà máy, khu ăn, khu nghỉ của công nhân với tinh thần “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Trước khi đưa công nhân vào sản xuất các thành viên của Happy Furniture đều test nhanh, có người được test tới 5 lần. Chưa xét đến việc “nuôi quân” ngày ba bữa, chỉ tính riêng chi phí thuê bệnh viện đến test lượng công nhân tham gia sản xuất thì chi phí DN phải gánh thêm trong mùa dịch đã lên rất cao. Ông Tân khẳng định: “Không DN nào muốn duy trì sản xuất trong bối cảnh này nhưng phải làm và quyết tâm làm để không đẩy công nhân ra ngoài đường”.
Theo ông Lê Xuân Tân, áp lực giải bài toán an sinh mà DN phải gánh lúc này không hề nhỏ. Bởi DN duy trì sản xuất thất bại, công nhân cũng không có đường về nhà trọ vì các khu đều đang phong toả. Do vậy, thực hiện các phương án để phòng dịch Covid-19 là hết sức cần thiết, nếu không xây dựng được quy trình và tổ chức sản xuất không chặt chẽ, DN sẽ có nguy cơ khiến dịch lây lan nhanh hơn. Bản thân ông và đội ngũ quản lý Happy Furniture phải phân chia theo nhóm để quản lý, phòng trường hợp có người không may dương tính với SARS-CoV-2 còn có đội ngũ tiếp quản. “DN chỉ có thể tổ chức sản xuất an toàn trong đại dịch khi mọi thành viên đồng cảm và đồng tâm với nhau, trên tinh thần thấu hiểu DN.