Vượt Trung Quốc, Việt Nam cung cấp lượng lớn sản phẩm này cho Mỹ, thu ngay 6,7 tỷ USD

Việt Nam hiện là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ, vượt cả Trung Quốc, cho thấy sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường này.

Mỹ ưa chuộng đồ gỗ Việt, xuất khẩu gỗ lập kỷ lục

Do nhu cầu tăng đột biến từ thị trường Mỹ, trong 8 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 10,43 tỷ USD, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 8,03 tỷ USD, tăng 46,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, bước sang tháng 8, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sụt giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19.

Theo ước tính, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 8/2021 đạt 850 triệu USD, giảm 26,9% so với tháng 8/2020. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 584 triệu USD, giảm 37,9% so với tháng 8/2020. 

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, hiện nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang phải đối mặt với khó khăn do dịch Covid-19 gây ra như nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao, đóng cửa nhà máy vì giãn cách xã hội… điều này sẽ ảnh hưởng tới đà tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ trong thời gian tới.

 Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này có xu hướng giảm tốc trong tháng 7/2021.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ vẫn có tốc độ tăng trưởng cao, đạt 6,8 tỷ USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, các mặt hàng như gỗ, ván và ván sàn; dăm gỗ; cửa gỗ; đồ gỗ mỹ nghệ và khung gương cũng tăng trưởng khả quan trong 7 tháng đầu năm 2021.

Việt Nam bán  - Ảnh 1.
Do nhu cầu tăng đột biến từ thị trường Mỹ, trong 8 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 10,43 tỷ USD, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty Minh Thành (Đồng Nai). Ảnh: Cao Cẩm.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này 8 tháng đầu năm 2021 đạt trên 6,7 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo thống kê của Uỷ ban thương mại quốc tế Mỹ (USITC), tháng 6/2021, Mỹ nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 2,2 tỷ USD, tăng 92,2% so với tháng 6/2020.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ đạt 12,4 tỷ USD, tăng 64,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2021, đạt 4,9 tỷ USD, tăng 81,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 39,5% tổng trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu của Mỹ tăng 3,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 2,56 tỷ USD, tăng 52%; Malaysia đạt 880,5 triệu USD, tăng 70,8%…

Nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ từ Việt Nam tăng nhanh cho thấy các sản phẩm của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ.

Việt Nam bán  - Ảnh 2.
Doanh nghiệp chuẩn bị kịch bản tái sản xuất, lấy lại đà xuất khẩu gỗ. Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp ngành gỗ lo ngại là dịch Covid-19 có thể chuỗi cung ứng sản xuất ngành gỗ bị ảnh hưởng.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, chi phí thuê container và giá cước vận tải biển tăng quá cao (từ 2-4 lần) đang bóp nghẹt các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ. 

Điển hình giá cước vận tải tới các cảng bờ phía Đông nước Mỹ đã lên tới 18.000 – 20.000 USD/container.
“Với mức cước này, đã có một số nhà nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam phải tìm kiếm nguồn cung ứng khác có cước phí vận tải thấp hơn” – ông Lập nêu một thực tế.

Điều các doanh nghiệp ngành gỗ quan tâm nhất hiện nay là lực lượng lao động được tiêm vaccine đầy đủ để trở lại sản xuất. Theo Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, trong thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị đến các cơ quan cấp tỉnh ưu tiên tiêm vaccine cho doanh nghiệp hội viên chưa được tiêm, đồng thời xây dựng các chương trình về nội dung tái sản xuất cho doanh nghiệp khi dịch được kiểm soát và mở cửa kinh tế.

Nguồn: Danviet.vn