Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO): “Nâng cao năng lực là chuẩn bị cho việc phục hồi…”

Đại diện ILO tin rằng doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam sẽ nhah chóng phục hồi nếu có thể tận dụng thời gian để nâng cao năng lực sản xuất, năng suất, đào tạo lực lượng lao động hiện tại và tuyển dụng thêm các lao động lành nghề.

Ông Phùng Đức Hoàng, Quản lý Dự án tại Việt Nam, Dự án Phát triển doanh nghiệp bền vững (SCORE), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã có những chia sẻ về nhân lực rất thiết thực cho ngành chế biến gỗ Việt Nam Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để có thể vừa ổn định sản xuất vừa đảm bảo an toàn cho người lao động. 

Ông Phùng Đức Hoàng, Quản lý Dự án tại Việt Nam, Dự án Phát triển doanh nghiệp bền vững (SCORE), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)

* Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam đứng ở vị trí thứ hai thế giới trong xuất khẩu sản phẩm chế biến gỗ. Ông đánh giá thế nào về năng lực và nguồn nhân lực của ngành công nghiệp nội thất Việt Nam?

– Ngành công nghiệp nội thất Việt Nam là ngành có sự phát triển rất ấn tượng trong những năm vừa qua. Một trong những thế mạnh giúp ngành đạt được thành tích như hiện nay là nguồn nhân lực phù hợp. Người lao động (NLĐ) Việt Nam được biết đến với tay nghề và sự chăm chỉ. Chi phí lao động tại Việt Nam hiện cũng đang thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Đây là nền tảng tốt cho ngành nhưng không thể mặc định rằng lợi thế này sẽ được duy trì lâu dài.

Tình trạng thiếu lao động và tiến trình trở thành quốc gia có thu nhập trung bình của Việt Nam sẽ khiến chi phí lao động tăng lên. Tuy nhiên, nếu có thể cải thiện năng suất lao động thì chúng ta sẽ có thể khắc phục được vấn đề này. Muốn vậy, doanh nghiệp (DN) phải đầu tư nghiêm túc vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý

Ngoài ra, nhìn ở hướng tích cực, khi thu nhập và sức mua của NLĐ tăng lên, thị trường trong nước sẽ trở nên quan trọng hơn vì sẽ có nhiều người mua đồ nội thất hơn. Vì vậy, về tổng thể, tôi cho rằng đây là một sự phát triển tích cực cho Việt Nam.

* Hiện, để đáp ứng tiến độ cho các đơn hàng tăng, ghi nhận từ các DN trong ngành đều cho thấy nhu cầu nhân lực đang rất lớn nhưng việc tuyển dụng gần như không đáp ứng được? 

– Có một vài nguyên nhân khiến tình trạng này xảy ra, trong đó chủ yếu là tình trạng chuyển dịch lao động về một số tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao ở miền Trung và miền Bắc. Giai đoạn công nhân ồ ạt đổ về các khu công nghiệp ở miền Nam đã không còn nữa. Nhiều địa phương đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp và người lao động có thể tìm được việc làm mà không phải xa quê.

Như một lẽ tự nhiên, khi chi phí tại các khu vực sản xuất công nghiệp tập trung lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng lên, các ngành thâm dụng lao động sẽ dịch chuyển tới các địa điểm có chi phí thấp hơn. Chúng ta đã chứng kiến quá trình dịch chuyển của các ngành thâm dụng lao động đến những vùng có chi phí thấp hơn diễn ra ở nhiều nước phát triển nhanh như Hàn Quốc hay Trung Quốc. Covid-19 có thể đang đẩy nhanh quá trình này và tại Việt Nam có lẽ cũng sẽ có những sự dịch chuyển tương tự.

* Nghĩa là, câu chuyện thiếu nhân lực trong các ngành sản xuất sẽ tiếp tục kéo dài?

– Vẫn còn một lượng lớn công nhân tiềm năng cho các DN. Năm 2020, 36% lao động ở Việt Nam vẫn đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở các nước phát triển, chúng tôi thấy tỷ trọng này thường giảm xuống. Ví dụ, Hàn Quốc có 15% lao động làm nông nghiệp vào đầu những năm 1990 và tỷ lệ này hiện đã giảm xuống còn 5%. Ngoài ra còn có hàng triệu người đang làm việc ở khu vực phi chính thức. 

Để thu hút được nguồn lao động, chắc chắn yếu tố quan trọng đầu tiên là thu nhập. Nhưng NLĐ còn quan tâm đến điều kiện làm việc như công việc có nặng nhọc không, môi trường làm việc có vệ sinh không, thời gian làm việc và nghỉ ngơi như thế nào.

Chúng tôi biết một số công ty đã rất thành công trong tuyển dụng nhờ vào các giải pháp hỗ trợ NLĐ chăm sóc con cái.

Thay vì coi các chính sách đãi ngộ nhân viên là chi phí, các công ty nên coi đó là hạng mục đầu tư vào chất lượng lao động. Đây là quan điểm chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh khi thực hiện đào tạo SCORE: Điều kiện làm việc tốt là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất.

* Trong bối cảnh đó, ngành chế biến gỗ cần phải làm gì để tháo gỡ khó khăn về mặt nhân lực như hiện nay?

– Trước mắt, các DN trong ngành cần duy trì thực hiện các chính sách an toàn và sức khỏe lao động để bảo vệ NLĐ vẫn đang làm việc trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. 

DN cũng nên phát triển lực lượng lao động đa kỹ năng và áp dụng các công cụ của sản xuất tinh gọn. Đây là các nhân tố giúp DN từng bước khắc phục các “thắt cổ chai” trong sản xuất. Trang bị máy móc để có thể tự động hóa cũng có một vai trò nhất định vì nó giúp công ty sử dụng công nhân một cách hiệu quả hơn và tăng năng suất lao động.

Về dài hạn, việc đưa ra các chế độ đãi ngộ và phúc lợi hấp dẫn hơn và cung cấp các hoạt động đào tạo nội bộ hiệu quả cho NLĐ sẽ góp phần giảm biến động nhân sự và ổn định lực lượng lao động. Các nhân viên cần được khuyến khích tham gia vào các chương trình đào tạo của công ty và các hoạt động phát triển cá nhân. 

Để hỗ trợ cả hai phương thức học tập này, bên cạnh các dịch vụ đào tạo và tư vấn hiện có, dự án SCORE đã phát hành các video tự học ngắn, cung cấp cho cán bộ quản lý và công nhân tại nhà máy những kiến thức và kinh nghiệm thực tế hữu ích trong quản lý sản xuất. Trong các video này chúng tôi đã chọn lọc nhiều nội dung phù hợp với ngành chế biến gỗ và thông qua sáng kiến này, chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ các DN trong ngành phát triển lực lượng lao động chất lượng cao. 

Người lao động Việt Nam được biết đến với tay nghề và sự chăm chỉ.

* Với vai trò quản lý, các cơ quan hữu trách, hiệp hội… nên làm gì để có thể giúp DN tháo gỡ khó khăn cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện tại?

– Thứ nhất, các hiệp hội cần phối hợp làm việc với các đơn vị giáo dục nghề nghiệp để xây dựng chương trình giảng dạy đáp ứng yêu cầu của ngành. Hiện một số hiệp hội đã bắt đầu triển khai hoạt động theo hướng này và cần phát huy hơn nữa. Các hiệp hội cũng có thể cùng xây dựng các chương trình thực tập và thiết lập các tiêu chuẩn cho chương trình này.

Thứ hai, các hiệp hội cần phối hợp để cải thiện hình ảnh của ngành. NLĐ có thể vẫn liên hệ ngành gỗ với những công việc nặng nhọc và môi trường làm việc bụi bặm, và sẽ lựa chọn các loại công việc khác. Cải thiện môi trường làm việc có thể giúp thay đổi hình ảnh này của ngành.

Cuối cùng là việc thực hiện vận động hành lang chung của ngành đối với Chính phủ để các DN có thể hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

* Riêng với ILO, ngoài các chương trình hỗ trợ DN gia tăng nội lực như dự án SCORE, RSCA … sẽ có những chính sách nào để DN phát huy chất lượng nguồn lao động hơn trong thời gian tới?

– Tháng 5/2021, ILO và Chính phủ Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam trong 10 năm tới. Chúng tôi cũng sẽ sớm khởi động một dự án mới có tên Phát triển năng suất toàn diện và việc làm bền vững. Thông qua dự án này, chúng tôi sẽ triển khai các hỗ trợ rộng hơn giúp cải thiện năng suất ngành cũng như giúp các DN chuẩn bị cho các yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế để giải quyết các vấn đề môi trường, như khí thải CO2, kinh tế tuần hoàn và tái chế. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình đạo tạo trực tuyến đã nêu trên đến rộng rãi các DN trong nước. 

Tôi hy vọng những chương trình này có thể đồng hành cùng DN Việt Nam, phát huy và nâng cao năng lực của nguồn lực lao động.

* Xin cảm ơn những thông tin mà ILO chia sẻ.

Đại An thực hiện