Giữ chân khách hàng thế nào khi sản xuất đình trệ vì Covid-19?

Tâm thế chủ động và tin thần lạc quan chính là chìa khoá quan trọng nhất để vượt qua thách thức mà ngành chế biến gỗ phải đối diện lúc này.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong tháng 7/2021 ước đạt 1,472 tỷ USD. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu lâm sản đạt 10,25 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,576 tỷ USD, tăng 55%. Ngành lâm nghiệp đạt xuất siêu 8,455 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm.

Đà giảm mạnh

Tính đến 15/8/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành mới chỉ đạt 9,95 tỷ USD.

Tuy nhiên, ảnh hưởng từ dịch bệnh lan rộng, 15 ngày đầu tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 373 triệu USD, giảm 45,46% so với cùng kỳ. Tính đến 15/8/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành mới chỉ đạt 9,95 tỷ USD. “Nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát, chắc chắn ngành không đạt chỉ tiêu xuất khẩu 13 tỷ USD mà chính phủ đề ra”, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Forest Trend – Đại học quốc gia Úc nhận xét. 

Theo ông Phúc, ngành chế biến gỗ Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức nhất định. Như chưa thống nhất được phương án nào để duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh cũng như chưa thể tiếp cận nguồn vaccin rộng rãi hơn để tạo môi trường an toàn trong các nhà máy chế biến gỗ. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch HAWA cho biết, hiện trạng sản xuất những ngày gần đây thực sự là dấu hiệu tiêu cực. Bởi, chỉ còn vài tháng nữa là hết năm nhưng thực tế xuất khẩu đã giảm nửa doanh số. “Thành quả và nỗ lực phát triển của ngành chế biến gỗ Việt Nam trong gần 20 năm qua có thể sẽ phải gây dựng lại từ đầu, nếu không có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ”, ông Khanh cảnh báo. 

Nhưng vẫn có cách…

Người đứng đầu HAWA cho rằng, trong những trao đổi với khách hàng quốc tế, những phản hồi mà ông nhận được là DN nhập khẩu có thể chờ đơn hàng từ phía Việt Nam trong thời gian khoảng 2, 3 tháng tới. Tuy nhiên, nếu thời gian chờ lâu hơn và không có câu trả lời từ phía đối tác, có thể họ sẽ phải chuyển hướng. Điều này có nghĩa là, dù nhu cầu thị trường quốc tế đang rất cao, nhưng đối tác vẫn có thể dành thời gian cho Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Vấn đề là DN phải minh bạch các thông tin dịch bệnh và có được sự chủ động riêng của chính mình trong bối cảnh đó. Làm sao trả lời cho khách hàng kế hoạch phục hồi sản xuất của mình. Nếu không có câu trả lời chính xác, sẽ khó lòng giữ chân được đối tác. Khi đó, đơn hàng có thể sẽ được chuyển sang quốc gia khác”. 

DN nhập khẩu có thể chờ đơn hàng từ phía Việt Nam trong thời gian khoảng 2, 3 tháng tới

Theo ông Khanh, trong lúc này, bất cứ DN lẫn cá nhân nào cũng dễ rơi vào trạng thái căng thẳng nhưng với uy tín đã gây dựng rất lâu trên thị trường quốc tế, nếu DN lạc quan thì đối tác cũng sẽ lạc quan, tin tưởng chờ đợi. Bởi, không chỉ Việt Nam DN các nước trong khu vực cũng đang chịu thách thức tương tự. Do đó, DN phải chủ động và chứng minh được lộ trình để thoát ra được khó khăn này. “Quan trọng hơn cả là sự lạc quan của DN cũng sẽ lan toả đến với người lao động, tạo tâm lý vững tin cho người lao động. Chúng ta sẽ cùng cố gắng. Vẫn còn hoạt động là còn tồn tại”, chủ tịch HAWA nói vậy.