Giữ ánh đèn sáng trong nhà máy

Hiện có khoảng 60% trong tổng số gần 500 doanh nghiệp thành viên Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, vẫn duy trì sản xuất.

Đứng trước lựa chọn đóng cửa hay tiếp tục sản xuất, không ít doanh nghiệp đành chấp nhận ngủ đông, cũng không ít ông chủ vượt lên nghịch cảnh, vừa sản xuất, vừa cách ly.

Giữ ánh đèn tiếp tục sáng trong nhà máy trong hoàn cảnh này không đơn thuần chỉ là một quyết định thuần túy về kinh doanh mà là sự lựa chọn để giữ miếng cơm manh áo cho công nhân, cũng là sự sống còn của doanh nghiệp.

Hay tin công ty vận động người lao động ở lại trong nhà xưởng, theo mô hình “3 tại chỗ”, anh Lê Hoàng Cương, 37 tuổi, quản lý dự án của Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA (AA Corporation), quyết định ở lại nhà máy, biên vội một bài thơ báo tin cho vợ.

Nhà máy cần anh chẳng thể ngồi yên

Nhiều dự án còn đang chờ phía trước

Đồng đội ngóng trông đơn hàng giao kịp

Trên dưới đồng lòng, quyết chí bền gan…

Anh Cương, nhà ở Thủ Đức, TP.HCM, thường xuyên đi công tác tại các công trình, lần này là Tây Ninh, nơi nhà xưởng của AA Corporation có 1.000 công nhân.

Một chiến dịch “thần tốc” xây dựng cơ sở cho các công nhân cách ly tại chỗ khi nhận thấy nguy cơ dịch bệnh sẽ xâm lấn khối sản xuất đã được thực hiện. Suốt một tháng nay, nhà xưởng của công ty vẫn luôn sáng đèn và rộn vang tiếng vận hành máy móc cho ra lò những bộ bàn ghế, kệ tủ… để kịp các đơn hàng xuất khẩu.

Buổi trưa, vào giờ ăn, màn hình tivi lớn đặt giữa nhà ăn vọng lên tiếng hát khích lệ tinh thần từ khối hành chính ở tòa nhà Bitexco (TP.HCM). Chiều đến, không gian sinh hoạt chung trong khuôn viên nhà xưởng là các tốp công nhân đánh bóng chuyền, chơi bóng bàn…

Ông Nguyễn Chánh Phương – phó tổng giám đốc AA Corporation – cho biết do có sự chuẩn bị từ trước, công ty đã áp dụng mô hình lưu trú tập trung trước khi các tỉnh thành phía Nam bắt buộc “3 tại chỗ” cả chục ngày. Hai nhà xưởng ở Long An cũng áp dụng mô hình “3 tại chỗ” nên sản xuất không bị đình đốn.

Tại TP.HCM, 10 tiếng đồng hồ sau khi áp dụng yêu cầu bắt buộc “3 tại chỗ”, Công ty TNHH SXTM Tân Quang Minh (Bidrico) đã cho gần 300 công nhân xét nghiệm COVID-19 lần thứ 5 để sàng lọc. Tất cả âm tính, và nhà xưởng này chính thức bước vào một giai đoạn ăn ở, sản xuất tập trung “chưa từng có”.

Ông Nguyễn Đặng Hiến – tổng giám đốc Bidrico – cho biết dù đã có sự chuẩn bị từ trước, nhưng “đây là quyết định không hề dễ dàng giữa bối cảnh tứ bề gian khó”.

Tứ bề gian khó là bởi, Bidrico, doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, phải đối mặt với nhu cầu tiêu thụ giảm, vì thế nếu tiếp tục sản xuất thì công ty sẽ phải hy sinh lợi nhuận, và chủ yếu để duy trì máy móc và giữ việc làm cho người lao động.

Ông Hiến nhẩm tính, mỗi tháng thuê bệnh viện đến xét nghiệm cho các công nhân khoảng 4 đợt, mỗi lần chi phí hết 100 triệu đồng, đến nay đã 6 đợt.

“Dù khó đến mấy cũng không được nản lòng để nhà máy tiếp tục hoạt động và đảm bảo đầy đủ phúc lợi cho công nhân đã đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp lúc ngặt nghèo” – ông Hiến nói.

Trong ngành may, ông Phạm Văn Việt – tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean – cho biết doanh nghiệp này đã áp dụng “3 tại chỗ” từ nhiều ngày qua để đảm bảo thời gian xuất sang châu Âu.

Theo ông Việt, công ty ở TP.HCM có hơn 1.000 công nhân, phân nửa công nhân đăng ký ở lại nhà xưởng. Tuy vậy, chỉ có khoảng 350 công nhân được bố trí sản xuất, số còn lại đã bị phong tỏa bên ngoài không thể vào nhà xưởng hoặc phải đảm trách các công đoạn không đúng với chuyên môn.

Hàng loạt công ty tại Tây Ninh và TP.HCM, cùng với các doanh nghiệp ở Bình Dương, Long An, Cần Thơ, từ miền Đông đến miền Tây, đang tìm mọi cách để duy trì vừa cách ly vừa sản xuất, một mặt giữ cho người lao động có công ăn việc làm, mặt khác tìm cách duy trì chuỗi cung ứng của nền kinh tế.

Bà Lý Kim Chi –  chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM – cho biết hiện các doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ” rất lo lắng trước nguy cơ hiện hữu là phải dừng sản xuất. Cho dù, nhiều lo lắng, lại tăng chi phí, nhưng nhờ áp dụng mô hình vừa sản xuất, vừa lưu trú tập trung mà nhiều doanh nghiệp chủ lực của ngành, nhất là doanh nghiệp ở nhóm thịt gia cầm, gia súc hầu hết giữ được năng lực sản xuất từ 100-200%.

Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho biết hội hiện có khoảng 400-500 doanh nghiệp thành viên, trong đó còn khoảng 60% doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất. Tuy nhiên, công suất sản xuất giảm mạnh, dao động từ 30-80%.

Để có một quy trình ăn ở tại chỗ một cách trơn tru, ông Việt cho biết doanh nghiệp phải mất đến 5 ngày để đi từng bước lo cho chuyện ăn, ở, nghỉ ngơi của công nhân như thế nào.

“Mỗi người mỗi tính cách, nhịp sống sinh hoạt khác nhau nên khi vào sinh hoạt tập trung phải dung hòa lại, dặn dò nhau từng chuyện nhỏ từ chuyện đi nhẹ nói khẽ, nâng cao tính kỷ luật khi sống tập thể. Về mặt này, công ty phải rất linh hoạt và tế nhị mới ổn định được nơi lưu trú cho anh em công nhân” – ông Việt kể.

Mục tiêu kép – vừa chống dịch vừa sản xuất – là một tham vọng khá thách thức. Không chỉ ở TP.HCM, 19 tỉnh thành đồng loạt thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16. Chuỗi cung ứng bị thách thức, hoạt động sản xuất bị xáo trộn, đình đốn. Để giữ các nhà máy, nhà xưởng tiếp tục sáng đèn là một nỗ lực vô cùng lớn, và là những lựa chọn cân não.

Chính vì thế, giữ cho nhà xưởng sáng đèn không chỉ giúp doanh nghiệp giữ thị phần, uy tín và lòng tin của đối tác quốc tế, mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp, là cuộc an sinh, nếu nhìn vào cảnh từng đoàn công nhân đang rời TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương về miền Tây, miền Trung, miền Bắc trong những ngày qua.

Cuộc chiến chống dịch được xác định là lâu dài. TP.HCM đã thành lập Tổ tư vấn phòng chống dịch COVID-19 và hồi phục kinh tế gồm 8 người, do tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, làm tổ trưởng. Một nhóm “xử lý nhanh” các vướng mắc của doanh nghiệp cũng đang được xúc tiến thành lập, do ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM, đứng đầu.

Theo Ngọc Hiển – Tuổi Trẻ