Công nghiệp nội thất vẫn nhiều cơ hội

Dù đang đối mặt với rất nhiều thách thức do dịch Covid-19, nhưng chỉ cần vượt qua được những trở ngại này, chế biến gỗ vẫn sẽ là ngành ghi lại dấu ấn Việt Nam trên thị trường thế giới.

Một nghiên cứu về người tiêu dùng từ OfferUp kết hợp với Công ty Phân tích dữ liệu GlobalData thực hiện cho thấy vào năm 2020, 58% người Mỹ đã trang trí lại nhà cửa bằng những món đồ nội thất mới. Theo Nick Huzar, Giám đốc Điều hành và đồng sáng lập của OfferUp, khi ngôi nhà vô tình trở thành nơi làm việc, trường học, nơi tập thể dục, không gian thư giãn… thì nhu cầu nội thất tăng lên theo cấp số nhân.

Bùng nổ tiêu dùng sau vaccine

Vì nhu cầu ấy mà thương mại đồ nội thất và đồ gia dụng ở Mỹ đã tăng 27,2 tỷ USD vào năm 2020 so với năm 2019, đạt giá trị khoảng 68 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người ở Mỹ chi thêm 82 USD cho các sản phẩm gia đình. 

Nhu cầu mua sắm nội thất ở Mỹ đang rất cao. Các cửa hàng IKEA lúc nào cũng đông khách

Là quốc gia hoàn thành mục tiêu vaccine, Mỹ đang từng bước khôi phục nền kinh tế, mở lại tất cả các dịch vụ sau một năm lao đao vì Covid-19. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay lên mức 7% và 4,9% vào năm 2022, cao hơn 2,4 và 1,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4. Nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ hậu Covid được xem là bùng nổ. Theo số liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của nước này trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 33% so với 5 tháng đầu năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. 

Tương tự, ở châu Âu, nhờ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được đẩy nhanh và quỹ kích thích chung của Liên minh châu Âu (EU) được khởi động để “củng cố” chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, nền kinh tế các quốc gia này cũng đang mở cửa trở lại. Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs dự đoán vào quý III/2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực sử dụng đồng euro sẽ tăng 13%.

Cơ hội lớn cho ngành nội thất

Theo Furniture Today, năm 2020, Việt Nam đã xuất 7,4 tỷ USD đồ nội thất sang Mỹ, tăng 31% so với năm 2019. Hiện thị trường Mỹ chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu nội thất và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam. 

Tiếp đà tăng trưởng, trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nội thất Mỹ với kim ngạch đạt hơn 5 tỷ USD, cao hơn gần 2 lần so với nhà cung cấp lớn thứ hai là Trung Quốc, tăng 99% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 40% trong tổng nhập khẩu nhóm hàng này của Mỹ. Mỹ cũng đang tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các nhà cung cấp khác như: Malaysia tăng 61%, Mexico tăng 71%, Canada tăng 15,2%… Nhu cầu tiêu dùng nội thất tăng nhanh buộc Mỹ phải ngày càng mạnh tay hơn trong việc nhập khẩu đồ nội thất. Điều này có nghĩa là thời gian tới, đơn hàng sẽ tiếp tục đổ về Việt Nam, nguồn cung đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho thị trường Mỹ.

Sáu tháng đầu năm 2021, Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nội thất Mỹ với kim ngạch đạt hơn 5 tỷ USD, cao hơn gần 2 lần so với Trung Quốc

Trong nửa đầu năm 2021, ngành gỗ tăng tốc sản xuất và xuất khẩu, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm 2020. Suốt nửa đầu năm 2021, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu quan trọng của gỗ và lâm sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu vào 5 thị trường này ước đạt trên 7,68 tỷ USD, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Con số xuất khẩu ở các thị trường chủ lực của Việt Nam đều tăng. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 0,73 tỷ USD (tăng 11%); Trung Quốc 0,82 tỷ USD (tăng 22,9%); Hàn Quốc 0,76 tỷ USD (tăng 7%)… Với châu Âu, con số này là 0,68 tỷ USD, tăng 54%. 

Trước thách thức của SARS-CoV-2

Tuy nhiên, dù đã rất cố gắng trong công tác phòng dịch, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 cuối cùng cũng đã khiến Việt Nam phải chịu chung số phận với các quốc gia khác trong cơn ác mộng mang tên Covid. Con số ca nhiễm mới được công bố tăng lên mỗi ngày trên toàn quốc. Và, một trong những khu vực chịu tổn thất nặng nề nhất là các nhà máy, khu công nghiệp phía Nam… Ở nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ, con số F0 lên đến hàng trăm, gây đình trệ sản xuất… 

Trong bầu không khí hoang mang bao trùm, hình ảnh các DN chế biến gỗ ứng phó với đại dịch đầy bất ngờ. Xây dựng khu cắm trại cho công nhân ở lại, xây dựng các bếp ăn phục vụ công nhân, tổ chức sinh hoạt giải trí cho người lao động sau giờ làm tại xưởng, đọc sách cho công nhân nghe, thưởng để thêm thu nhập hay thậm chí là cho nhân viên nhận lương theo ngày làm là tất cả những hoạt động mà DN đã nỗ lực và sáng tạo thực hiện để có thể đảm bảo phương châm “3 tại chỗ”. 

Thu hút hơn 500.000 lao động trực tiếp, để chu toàn nhân lực trong bối cảnh này, DN phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhờ sự quyết liệt, chân thành trong công tác chăm sóc con người, DN ngành gỗ nhận được không chỉ là việc hoàn tất các đơn hàng mà còn ở sự nhiệt tình cống hiến của người lao động. Trong điều kiện bất tiện của cách ly, người lao động dường như xích lại gần nhau hơn, cùng làm việc, cùng vui chơi, tổ chức cắt tóc cho nhau, cùng nhau tận dụng đất trống ở xưởng để trồng rau sạch cải thiện bữa ăn… Với những gắn kết này, trụ lại được sau đại dịch chắc chắn, phần thưởng mà DN sẽ có được những tập thể gắn bó, đoàn kết.

Trong cơ chế phân phối vaccine tạo miễn dịch cộng đồng, phục vụ mục tiêu kép, công nhân các nhà máy, khu chế xuất đang được ưu tiên. Với nỗ lực của HAWA trong việc liên kết với các tổ chức, cơ quan ban ngành lẫn chủ động tìm kiếm nguồn vaccine từ đối tác quốc tế, hy vọng tất cả DN trong ngành đều có cơ hội tiếp cận và nhanh chóng tiêm chủng cho người lao động.

Phía trước là nhu cầu rất lớn của thị trường, phía sau là nền tảng vững chắc của lực lượng lao động dồi dào, gắn kết, tôi tin nếu có thêm mảnh ghép quan trọng ở giữa là hệ thống máy móc hiện đại, DN chế biến gỗ Việt Nam hoàn toàn có thể vươn rộng cánh bay, trở thành trung tâm nội thất của thế giới.  

Trần Việt Tiến